you're reading...
Năng lượng gió

Đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo

Tại Khóa họp lần thứ 8 Diễn đàn Kinh tế Tài chính Việt – Pháp với chủ đề Năng lượng và phát triển bền vững diễn ra trong 2 ngày 17 – 18/11, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu năng lượng gia tăng là tất yếu. Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, năng lượng hiện nay chủ yếu được cung cấp từ nguồn nguyên liệu hóa thạch không tái tạo, các nguồn này rồi sẽ bị cạn kiệt. Do đó, việc phát triển năng lượng mới, tái tạo là nhu cầu tất yếu, giúp giảm thiểu được phát thải khí nhà kính CO2.

Tuy việc phát triển năng lượng mới và tái tạo đang gặp không ít khó khăn như suất đầu tư và giá thành sản xuất còn cao, nhưng cùng với sự phát triển công nghệ, tính kinh tế của việc sử dụng năng lượng mới, tái tạo cũng sẽ tăng lên.

Ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo

Hướng ưu tiên phát triển năng lượng mới giai đoạn tới của Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển thủy điện nhỏ, điện gió, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải để phát điện, sử dụng năng lượng mặt trời để cấp nhiệt, sấy nông sản, lọc nước sạch, phát triển các hầm khí sinh vật để đun nấu tại nông thôn.

“Chính phủ đang có hướng áp dụng các chính sách hỗ trợ kinh phí cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng dự án sử dụng năng lượng mới tái tạo; chính sách về tài chính, thuế nhằm khuyến khích tiết kiệm năng lượng ở các cơ sở sản xuất như miễn, giảm thuế thu nhập cho khoản lợi nhuận thu được từ việc tiết kiệm năng lượng, ưu đãi về thuế đối với trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ cho mục đích tiết kiệm năng lượng,…”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bài toán kinh tế và nhu cầu năng lượng

Các tham luận tại Diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng lượng hai nước Việt Nam và Pháp đều khẳng định xu thế cần thiết khai thác, sử dụng năng lượng bền vững, giảm phát thải trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Mức phát thải CO2 tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp, 1,4 tấn/người/năm, so với Pháp là 6 tấn, Đức 10 tấn và Mỹ 20 tấn. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ nhanh chóng rút ngắn trong 10, 15 năm tới do khả năng phát triển kinh tế mạnh và nhanh của Việt Nam trong khi mục tiêu của thế giới giảm một nửa lượng phát thải vào năm 2050”, chuyên gia năng lượng Henri Prévot nhận định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cũng cho rằng, trong gần 20 năm qua, tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam tăng khoảng 2,56 lần, điện năng thương phẩm tăng 10,7 lần. Nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế thì nguồn cung năng lượng vẫn còn thấp.

“Việt Nam hoàn toàn có thể vừa phát triển kinh tế vừa đáp ứng bài toán an ninh năng lượng nếu sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn các nguồn cung, giảm mức cường độ năng lượng cũng như mức tiêu thụ điện năng để tạo ra đơn vị sản phẩm quốc nội 1.250 kwh/1000 USD”, ông Đạt cho hay.

Các tham luận của chuyên gia 2 nước tại Diễn đàn cũng hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, mở đường cho các hoạt động đầu tư, hoạt động công nghệ và quản lý trong khai thác, chuyển hóa, sử dụng năng lượng, ứng dụng các công nghệ mới trong bài toán phát triển kinh tế – năng lượng bền vững.

Một số thảo luận cũng đi đến thống nhất các hoạt động phát triển bền vững trong khai thác, chuyển hóa, sử dụng các nguồn năng lượng hữu ích cho Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải hiệu hứng nhà kính của cộng đồng thế giới, ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, tìm kiếm, xác định các dự án có thể triển khai ở Việt Nam, xác định cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ, đảm bảo cho các hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo tại Việt Nam.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, 18/11/2009

About HÓA HỌC NGÀY NAY

Hóa học, Công nghệ hóa học, Vật liệu mới, Năng lượng tái tạo

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này