you're reading...
Blog 360

Bắc Kinh khó xử trước việc Maxcơva công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia

Hôm 27/08, một ngày trước lúc Hội Nghị Thượng Đỉnh Tổ Chức Hợp tác Thượng Hải khai mạc tại Dushanbe, tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã đến thủ đô Tadjikistan để hội đàm song phương với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Mục tiêu không nói ra là tìm kiếm hậu thuẫn trong cuộc đọ sức với phương Tây trên hồ sơ Gruzia. Tuy nhiên, vài giờ trước cuộc họp, bộ ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố “quan ngại” trước việc Nga công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ đòi ly khai khỏi Gruzia.

Nga và Trung Quốc là hai cột trụ trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, còn bao gồm 4 nước Trung Á là Kazakhstan, Kirghistan, Tadjikistan và Uzbekistan. Tương tư như người tiền nhiệm Vladimir Putin, tân tổng thống Nga Medvedev rất chú ý đến việc cũng cố trục hợp tác Maxcơva-Bắc Kinh nhằm đối phó lại thế lực của phương Tây và khối Nato. Trong cuộc đọ sức đang diễn ra với Hoa Kỳ và Châu Âu trên hồ sơ Gruzia, Nga mong muốn được Trung Quốc hậu thuẫn.

Thế nhưng, sau 24 tiếng đồng hồ giữ im lặng, hôm 27/08, vài giờ trước lúc hai nguyên thủ Nga-Trung hội đàm với nhau ở Dushanbe, Bắc Kinh đã chính thức bày tỏ thái độ “quan ngại” trước việc Maxcơva công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng lãnh thổ đòi ly khai của Gruzia. Tuy nhiên, trái với các nước phương Tây, Trung Quốc tránh không chỉ trích quyết định của Nga.

Theo các nhà phân tích, hồ sơ Gruzia đã đẩy Trung Quốc vào một tình thế tế nhị vì lẽ bên cạnh quan hệ chặt chẽ với Nga, Bắc Kinh lại không muốn là các sự kiện diễn ra tại Gruzia làm gương xấu cho các vùng tự trị của Trung Quốc đặc biệt là hai vùng Phật giáo Tây Tạng và Hồi Giáo Tân Cương.

Công nhận nền độc lập của hai lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia, tổng Thống Medvedev còn thách thức Hoa Kỳ rằng Nga không sợ một cuộc chiến tranh lạnh cho dù việc này xảy ra thì sẽ không có người chiến thắng.

Maxcơva, sau một thời gian dài bất lực chứng kiến Hoa Kỳ bành trướng ảnh hưởng tại sân sau của nước Nga, đã chọn Gruzia làm điểm tựa cho một đối sách mới. Ý nghĩa đầu tiên của đối sách này là từ nay Nga sẽ hành động để bảo vệ điều mà Maxcơva xem như quyền lợi thiết thân của dân tộc.

Nga bảo vệ lợi ích quốc gia

Nga vẫn tỏ vẻ kiên quyết. Sau khi can thiệp vũ trang vào Gruzia, Maxcơva tiếp tục chiến dịch chinh phục lại vùng thuộc ảnh hưởng của họ, nếu không muốn nói là không gian quốc gia của họ, qua cú sử dụng sức mạnh ngoại giao vừa qua. Việc mặc nhiên vẽ lại biên giới vùng Kavkaz mà Maxcơva vừa thực hiện, là phản ứng mà bấy lâu nay Nga cố nén xuống trước chính sách do Hoa Kỳ và Châu Âu tiến hành từ khi Liên xô sụp đổ. Tuy nhiên qua việc công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, Maxcơva đã hành động không khác gì điều mà họ chỉ trích Phương Tây trên hồ sơ Kosovo, có nghiã là làm đảo lộn các biên giới và gây bất ổn định trong cả một khu vực.

Cho đến giờ này, các lời hăm doạ của Phương Tây có vẻ không có hiệu quả gì vì Maxcơva đã làm cho nó hoàn toàn vô nghiã trên quan hệ, vừa trên hồ sơ Otan, vừa trên việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.
Lẽ dĩ nhiên, những lời chỉ trích lẫn nhau hiện nay, nhắc lại sự kiện chiến tranh thế giới lần thứ nhất xuất phát từ hành động của một tên khủng bố, hay là việc Ossetia tránh được tai họa diệt chủng có phần quá đáng. Thế nhưng rõ ràng là Nga đang tiến hành một cuộc đọ sức với Hoa Kỳ trong khi chờ đợi tổng thống mới được bầu lên ở Mỹ, trong bối cảnh 27 nước Liên hiệp Châu Âu đang yếu thế vì bị chia rẻ. Thao tác của Maxcơva bắt nguồn từ thực tế : Nga đã vươn dậy mạnh mẽ trong vòng 10 năm qua.

Thế và Lực cuả nước Nga mới

Đầu tiên hết là về mặt kinh tế. Tổng sản lượng quốc gia nước này đã giãm thiểu đến 40%, từ 1989 đế 1996. Thế nhưng từ 10 năm qua cho đến nay, tăng trưởng của Nga trung bình mỗi năm đạt 7%. Hơn nữa, đây là một cường quốc bao la, giàu tài nguyên, không phụ thuộc vào nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng .

Quan trọng hơn cả là kho vũ khí chiến lược của Nga đã đặt nước này vào ngôi vị quốc gia duy nhất có khả năng răn đe, trong kịch bản một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Mỹ. Hiện nay Nga vẫn nắm trong tay hơn 10 ngàn đầu đạn nguyên tử. Đồng thời, dự trữ ngoại tệ của nước này đứng hàng thứ 3 trên thế giới với 480 tỷ đô la vào đầu năm 2008. Sự giàu có của Nga, 10 năm qua chủ yếu bắt nguồn từ vai trò gần như độc quyền trong việc buôn bán dầu khí của mình và của các nước Trung Á. Nguồn năng lượng này được Nga trung chuyển đến Châu Âu qua một hệ thống ống dẩn khí đốt.

Bởi vậy, Maxcơva rất phẩn nộ trong suốt 8 năm qua, một mặt bị bao vây bởi một loạt các căn cứ Mỹ đặt tại các nước Đông Âu và có xu hướng lan sang Gruzia và Ukraina, mặt khác, sự bành trướng của ảnh hưởng Mỹ tại đây và tại Trung Á còn trực tiếp đe dọa hệ thống cung cấp năng lượng của Nga cho Châu Âu .

Trong bối cảnh này, sự trả đủa mãnh liệt của quân đội Nga tại Gruzia và việc công nhận nền độc lập của Abkhazia cũng như Nam Ossetia là câu trả lời cho nổi uất ức chất chứa hàng chục năm. Thông điệp của Nga là từ nay, Maxcơva sẽ không khoanh tay nhìn các nước tây Phương và đặc biệt là Hoa Kỳ đe dọa quyền lợi thiết thân của mình tại vùng Kavkaz. Tuy nhiên, chiến sự tại Gruzia đánh dấu một cục diện mới, trong quan hệ ngày càng căng thẳng giữa 2 cường quốc Nga-Mỹ.

Những bước kế tiếp sau đây sẽ mang tính trắc nghiệm trên bàn cờ mới :
1- Nga sẽ rút quân, nhưng Gruzia mất 2 lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia.
2- Gruzia và Ukhraina , nếu được hội nhập vào Nato trong tương lai, việc này sẽ mang đến những hệ quả chưa lường trước nổi.
3- Trong tình huống đối đầu giữa Nga và Mỹ tiếp tục, Trung Quốc có thể hưởng lợi.
4- Cuối cùng, Nga có thể sử dụng một lá bài tủ : nếu Hoa Kỳ duy trì chính sách mở rộng khối Nato sang hướng Đông, đó là khả năng Maxcơva xích lại gần thêm với Iran và trang bị cho T
eheran các tên lửa S-300.

Các hệ quả này, nếu diễn ra sẽ thật sự đưa thế giới vào một thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Maxcơva như vậy, không thiếu những lá bài trong tay. Nhưng hiện nay, điều có thể quan sát là nước Nga chưa bước qua lằn ranh đỏ của một cuộc chiến tranh lạnh.

Tại Pháp nhiều nhà bình luận như ông Pascal Boniface, trên làn sóng RFI đánh giá : việc công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, nói cho cùng, chỉ mang ý nghĩa Maxcơva chính thức hóa một tình trạng đã tồn tại nhiều năm qua. Vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang sa lầy tại Afghanistan và Irak, cuộc đọ sức giữa Nga và Mỹ chưa thể biến thành chiến tranh lạnh, bởi vì, trong tình huống này, cả hai đối thủ sẽ mất mát quá nhiều.

Theo RFI

About HÓA HỌC NGÀY NAY

Hóa học, Công nghệ hóa học, Vật liệu mới, Năng lượng tái tạo

Thảo luận

1 bình luận về “Bắc Kinh khó xử trước việc Maxcơva công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia

  1. Thông tin bổ ích & hấp dẫn !

    Tình hình căng thẳng nhỉ.

    Posted by Thợ cày | Tháng Tám 28, 2008, 2:12 sáng

Bình luận về bài viết này